Một trong những điều quan trọng nhất cho những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu là họ cần phải nghe được âm thanh của mình đang tạo ra một cách rõ ràng, nếu không thì buổi biểu diễn sẽ không có được chất lượng tốt nhất. Trước đây cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là loa monitor sàn – một chiếc loa được đặt hướng về phía người nghệ sĩ để họ có thể nghe rõ âm thanh của mình. Có thể liên tưởng nghe được hình ảnh những chiếc loa cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích đặc biệt nếu buổi diễn đó có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ cùng lúc và ai cũng cần monitor riêng.
Dòng sản phẩm Fender IEM đang được bán với giá ưu đãi 50% trong dịp Guitar Festival 2018.
Vấn đề này đã được giải quyết bởi sự ra đời của tai nghe In-ear Monitor (IEM), mỗi người nghệ sĩ sẽ có một chiếc tai nghe riêng để nghe được âm thanh của mình và tùy chỉnh bất cứ điều gì bạn muốn, như một bản click track (tương tự như metronome) giúp giữ nhịp cho những người chơi nhạc cụ. Có nhiều thương hiệu lớn sản xuất những chiếc tai nghe IEM này và Fender – một ông lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc – cũng không phải là một ngoại lệ.
Sau khi mua lại công ty Aurisonics vào năm 2016 (công ty chuyên sản xuất thiết bị âm thanh cho audiophile và nhạc sĩ), Fender đã cho ra mắt dòng sản phẩm Pro Series IEMs. Những mẫu tai nghe của Fender mang lại chất lượng âm thanh tuyệt đỉnh cho bạn khả năng trình diễn vững vàng từ phòng thu, club nhạc cho đến những sân khấu lớn nhất trên thế giới.
Một số người chơi chuyên nghiệp trên thế giới thích sử dụng tai nghe IEM, một số vẫn thích lựa chọn phương pháp truyền thống và một số trung lập có thể sử dụng một trong hai phương pháp monitor, đôi khi là cùng một lúc. Chúng ta hãy cùng điểm qua những ưu điểm, nhược điểm của phương pháp monitor vẫn còn khá xa lạ này:
Ưu điểm.
Nghe rõ ràng với bản mix được cá nhân hóa.
Giải pháp IEM sẽ giúp bạn có thể nghe rõ được âm thanh của mình khi biểu diễn trên sân khấu hơn, đây cũng là lí do ra đời của những chiếc tai nghe này, và với đội ngũ kĩ thuật âm thanh chuyên nghiệp bạn có thể lựa chọn âm thanh mình sẽ nghe được như thế nào, những bản mix đến tai của mỗi người trên sân khấu sẽ được cân đo phù hợp theo nhu cầu.
Giảm thiểu tiếng ồn trên sân khấu.
Vì tính cá nhân, mọi người có thể tùy chỉnh âm lượng của monitor ở mức mong muốn. Khác với loa monitor sàn khi bạn yêu cầu âm thanh của mình to hơn sẽ gây ảnh hưởng và lấn áp âm thanh của những đồng đội trên sân khấu, và khi không thể nghe rõ âm thanh của mình thì họ cũng sẽ yêu cầu nâng mức monitor lên. Mọi chuyện sẽ tiếp tục tiếp diễn như vậy và biến sân khấu thành một chiến trường về âm thanh. Với tai nghe IEM, bạn sẽ giữ mức âm thanh trên sân khấu ở mức thấp nhất có thể.
Tự do di chuyển.
Thông thường giải pháp IEM sẽ đi kèm với một bộ thiết bị wireless, điều này giúp người biểu diễn sẽ tự do di chuyển trên sân khấu hơn mà không cần lo lắng về việc không nghe rõ âm thanh của mình, điều này sẽ giúp buổi diễn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn và tăng khả năng trình diễn của bạn.
Flea – Bassist của RHCP được biết đến với lối chơi năng động thường xuyên di chuyển khắp sân khấu.
Bảo vệ đôi tai.
Đi kèm với tai nghe là bộ tip nhiều kích cỡ khác nhau (đối với dòng Universal Fit), giúp bạn dễ dàng lựa chọn cặp tip phù hợp với mình. Sử dụng tip phù hợp sẽ giúp cách ly được tiếng ồn bên ngoài lọt vào tai một cách tối đa, từ đó giúp bảo vệ đôi tai của bạn trong môi trường âm thanh lớn. Nếu bạn là một người thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn, đây là giải pháp bảo vệ đôi tai (tài sản quý nhất của những người nhạc sĩ) một cách tốt nhất.
Frontman Brian Johnson của AC/DC sử dụng tai nghe IEM để bảo vệ đôi tai của mình.
Nhược điểm.
Chi phí cao.
Để sử dụng hệ thống in-ear monitor đòi hỏi mỗi người cần sở hữu riêng cho mình nhiều trang thiết bị: tai nghe, bộ truyền tín hiệu không dây, mixer… với mức đầu tư cao đáng kể.
Yêu cầu thiết lập phức tạp.
Để sử dụng hệ thống monitor này đòi hỏi phải có các chuyên viên kĩ thuật âm thanh có kinh nghiệm trong việc set-up và tạo ra những bản mix cho từng cá nhân. Vậy nên không phải ở mọi địa điểm bạn cũng có thể sử dụng phương pháp monitor này.
Những lưu ý khi dùng hệ thống in-ear monitor
- Bạn nên có thêm một tai nghe dự phòng vì mỗi cá nhân sẽ có một tai nghe in-ear monitor riêng nên nếu gặp trường hợp thiết bị hư hỏng và không có sẵn monitor sàn, bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối.
- Cần phải làm quen trước cùng với ban nhạc trong một thời gian nhất định trước khi thay đổi hẳn từ phương pháp monitor truyền thống sang in-ear monitor khi biểu diễn trên sân khấu.
- Đôi khi việc đeo tai nghe để cách ly khỏi âm thanh bên ngoài cũng làm cho bạn tạo khoảng cách xa hơn với khán giả và làm mất đi cảm xúc, sự kết nối. Thi thoảng bạn có thể bỏ một bên tai nghe ra để hòa vào không khí đám đông bên dưới, tuy nhiên hạn chế tăng âm lượng để bù lại cho một bên tai nghe vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến đôi tai của bạn.
Ngoài việc sử dụng như một thiết bị monitor khi biểu diễn, dòng tai nghe Fender IEM còn có thể ứng dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau nhờ những đặc tính của chúng:
- Tái tạo âm thanh cân bằng và chính xác.
- Có tần số phẳng và dải tần số rộng.
- Mức độ distortion cực kì thấp.
- Được thiết kế để tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng trong thời gian dài.
- Thiết kế bền bỉ cho nhu cầu sử dụng nặng.
Monitor trong thu âm.
Bản chất của những loại tai nghe monitor là tái tạo âm thanh chính xác, trung thực nhất với trường âm thanh rộng và các dải âm cân bằng. Vì vậy bạn có thể dùng tai nghe để sử dụng trong thu âm nhằm đánh giá chất lượng các bản thu âm nhạc cụ độc lập, hay để nghe rõ và tách biệt những nhạc cụ khác nhau trong một bản phối để phát hiện được những điểm chưa hoàn hảo trước khi cho ra một bản thu hoàn chỉnh.
Tập luyện.
Với những người chơi nhạc cụ thì đôi khi việc cần phải tập luyện chung với tai nghe là điều không thể tránh khỏi, tai nghe monitor sẽ là một sự lựa chọn phù hợp cho nhu cầu tập luyện vì nó giúp tái tạo âm thanh chính xác với những gì bạn đã thiết lập nhất từ đó tạo cảm hứng cho việc luyện tập hơn.
Nghe nhạc.
Có một câu hỏi thường gặp cho tai nghe monitor là “Tai nghe monitor có dùng nghe nhạc được không?”
Câu trả lời là việc đó tùy vào mỗi cá nhân và thể loại nhạc. Những loại tai nghe thông thường sẽ có đặc trưng âm thanh riêng của thương hiệu đó, mỗi người có thể sẽ thích chất âm của những thương hiệu khác nhau. Với những người yêu thích chất âm riêng đó thường sẽ không thích những chiếc tai nghe monitor vì nó quá cân bằng.
Nếu bạn là một basshead thích những âm bass mạnh mẽ thì tai nghe monitor sẽ không đáp ứng được nhu cầu của bạn, nếu bạn thích âm bass chắc và sâu thì lúc này tai nghe monitor sẽ thể hiện tốt hơn. Với những ai muốn lắng nghe một bài hát một cách “nguyên bản” nhất để nắm được những gì mà người producer muốn truyền tải thì tai nghe monitor là lựa chọn phù hợp. Đôi khi lắng nghe một bài hát yêu thích quen thuộc của bạn bằng IEM có thể giúp bạn khám phá những điều mới lạ trong bài hát mà bạn chưa bao giờ được trải nghiệm.