Cũng giống như việc học chơi một món nhạc cụ, học chơi các bài hát bằng tai cũng là một kỹ năng mà bạn có thể cải thiện thông qua việc luyện tập. Khi bạn tiến bộ hợn trong việc tập các bài hát dựa vào khả năng cảm âm, bạn sẽ không còn phải phụ thuộc nhiều vào tab, bản nhạc hay các video trên Youtube. Ngay cả khi bạn không chơi nhạc trong ban nhạc hay là một tay guitar chuyên nghiệp, thì việc học các bài hát bằng cảm âm là một kỹ năng bổ ích. Nếu bạn đã từng thử và chưa thành công với việc học các bài hát bằng tai, thì những lời khuyên này có thể sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc luyện tập. Những “tip” này dành cho guitar, tuy nhiên cũng có thể áp dụng cho bất cứ nhạc cụ có tính chất tạo giai điệu khác.
Tập luyện để có thể nghe được quãng.
Tuy không thể xác định được chính xác được nốt đó là nốt gì, nhưng bạn có thể luyện để nghe được quãng của nốt đó so với nốt trước và sau nó trong bài hát. Hầu như bất cứ người chơi có thể xác định được những nốt quảng 8 một cách đơn giản – chơi một dây mở bất kì và phím thứ 12 trên cùng dây để nghe được quãng 8. Với sự luyện tập chăm chỉ bạn có thể dễ dàng phân biệt được các quãng 3, quãng 5 có âm thanh như thế nào. Khi trở nên tiến bộ hơn, cách bạn nghe được giai điệu và hợp âm thay đổi sẽ khác trước đây – bạn sẽ nghe được quãng của những nốt trong bài hát, và việc duy nhất bạn cần làm trước khi bắt tay vào tập bài hát đó là xác định được chính xác nốt nhạc đầu tiên.
Xác định key của bài hát.
Khi nói về nhạc lý thì việc xác định key của bài hát bằng cảm âm cũng khá quan trọng với những người chơi nhạc. Thông thường key của bài hát sẽ là hợp âm được chơi cuối cùng trong bài hát đó.
Khi bạn gặp khó khăn trong việc xác định hợp âm nào mà bài hát đang sử dụng, bạn hãy lắng nghe để xác định nốt có vẻ như là nền tảng cho hợp âm – đó có thể là nốt gốc của hợp âm. Để xác định key bài hát bằng tai ban đầu có thể sẽ rất khó khăn, bạn có thể sử dụng nhạc cụ để dò key bài hát một cách nhanh chóng hơn. Và khi xác định được key của bài hát, bạn sẽ biết được trong key đó có những hợp âm nào, và những hợp âm nào thường được sử dụng nhất để tạo vòng hòa âm từ đó dễ dàng tự viết hợp âm cho bài hát đó hơn.
Chia bài hát từng phần nhỏ và nhờ sự hỗ trợ của phần mềm.
Những bài hát khó nhất đều có thể tập bằng tai bằng phương pháp chia nhỏ từng đoạn hay thậm chí từng nốt một nếu bạn có đủ kiên nhẫn. Và lúc này thì phần mềm phát nhạc cũng sẽ góp một phần quan trọng trong quá trình luyện tập, bạn sẽ cần phải pause, replay lại bài hát rất nhiều lần – hãy lựa chọn một phần mềm tối ưu nhất có thể cho phép bạn làm điều này.
Đối với những bài hát trên iTune Youtube, bạn cũng sẽ có những tùy chỉnh cơ bản như làm chậm bài hát theo tốc độ mình mong muốn.
Hãy kiên nhẫn và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Nhìn vào nó theo khía cạnh này – khi bạn dành thời gian để tập một bài hoàn chỉnh bằng tai, thậm chí khi phải mò từng nốt nhạc thì sau này dần dần bạn có thể học chơi bất kỳ bài hát nào. Phần khó nhất của việc học một nhạc cụ là sự kiên nhẫn để vượt qua cảm giác áp đảo khi gặp phải thử thách mới.
Khi bạn đã tìm thấy các nốt, vòng hợp âm chính xác sau đó việc cần làm là tập trung vào các yếu tố khác của âm nhạc. Lúc bạn chinh phục được một phần nhỏ trong bài hát, bạn sẽ thấy những phần còn lại trở nên quen thuộc và dễ dàng hơn. Cho dù bạn bỏ ra hàng tháng chỉ để tập một bài hát, thì những kĩ năng bạn thu được trong quá trình này cũng sẽ rất có giá trị.
Hãy bắt đầu trước với những bài hát đơn giản và dần nâng độ khó để tránh trường hợp chán nản bỏ ngang việc luyện tập kĩ năng vô cùng quan trọng này.
Hãy thử các vị trí khác nhau trên cần đàn.
Kĩ năng này sẽ thiên về dành cho người chơi guitar, bass hay nhạc cụ bộ dây nói chung. Bạn có bao giờ tìm chính xác tất cả các nốt của một đoạn riff hay intro nhưng vẫn có cảm giác hoài nghi vì âm thanh nó không giống như những gì bạn nghe trong bài hát gốc. Thông thường những người chơi mới có xu hướng chỉ dò những nốt trên cùng một dây, nếu bạn có cảm giác không chắc chắn thì đây là lúc bạn thử chơi nốt đó trên dây đàn khác. Hãy trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau, sẽ có vị trí cho bạn cảm giác “đúng” hơn vị trí khác. Trừ khi đó là một đoạn riff cực kì khó, khả năng lớn nhất mang lại cho bạn cảm giác nghi ngờ là bạn đang chơi nốt nhạc đó ở sai vị trí.
Cẩn thận với cách lên dây không quen thuộc.
Đây là lời khuyên cụ thể dành cho người chơi guitar. Nếu bạn phải vò đầu bức tóc để tập một bài cụ thể mà không thể hiểu cấu trúc chạy ngón, thì có thể bài hát đó được chơi trên cây đàn sử dụng alternate tune (như Open G, Open E, Drop D…). Nói cách khác bạn biết chính xác những nốt cần phải chơi, nhưng khi luyện tập bạn không thể chơi đúng với tốc độ như bài gốc vì những nốt nằm rất xa nhau và việc chơi với tốc độ cao dường như là không thể. Việc làm quen với những cách lên dây khác nhau cũng sẽ giúp bạn trở thành một người chơi hoàn thiện hơn.
Luyện tập khi xem TV.
Khi bạn xem TV hãy thử chơi những giai điệu mà bạn cảm thấy thú vị khi nghe được trên TV. Đừng quá bận tâm về việc chơi chính xác nốt, hãy tập trung vào giai điệu và thể hiện lại trên chính nhạc cụ của bạn. Những giai điệu ngẫu nhiên đôi khi sẽ giúp mở rộng lối chơi của bạn hơn và không tạo áp lực luyện tập nặng cho bạn, hãy coi đây là một trò chơi để thư giãn sau thời gian tập luyện hay là bài khởi động trước buổi tập nghiêm túc. Khả năng tái tạo lại những gì bạn nghe thấy cũng sẽ giúp ích cho bạn khi jam với những nhạc sĩ khác bất cứ lúc nào.
Biến nó thành một phần của những buổi tập.
Giống như mọi thứ khác, cảm âm sẽ trở nên dễ dàng với bạn hơn nếu bạn dành nhiều thời gian cho việc luyện tập nó. Nếu ban đầu bạn gặp phải nhiều khó khăn với những bài phức tạp, hãy cân nhắc chọn những bài hát đơn giản để bắt đầu – dù cho bạn không thích hay không có ý định chơi bài đó. Hãy luyện tập! Một ngày nào đó bạn sẽ thấy những bài hát mình từng thấy khó trở nên dễ dàng hơn.